Header Ads

Trẻ tự kỷ có ít hoặc không có lời nói, liệu có hạn chế về nhận thức?



      Nghiên cứu được công bố ngày 30/7 trên Tạp chí Tâm lý trẻ em và tâm thần học, cho thấy rằng số lượng trẻ em mắc chứng tự kỷ phân loại là “ lời nói tối thiểu” phụ thuộc vào các trắc nghiệm được sử dụng để lượng giá các em này. Các trắc nghiệm khác nhau cho kết quả khác nhau và không phản ánh chính xác mức độ nhận thức của trẻ. Kể các trắc nghiệm thường dùng để sàng lọc, chẩn đoán tự kỷ cũng có thể cho những tỉ lệ khác nhau. "Những gì tôi nghĩ là thực sự thú vị là ở trẻ có mức độ rất hạn chế về ngôn ngữ, có nhiều thay đổi về nhận thức hơn bạn có thể mong đợi", phụ trách chính nghiên cứu Vanessa Bal, phó giáo sư về tâm thần học tại Đại học California, San Francisco nói. "Có vẻ dễ dàng để gộp những đứa trẻ vào cùng một nhóm bởi chúng không nói , nhưng nghiên cứu này cho thấy không đơn giản như vậy," Isabelle Soulières, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quebec ở Montreal, người không tham gia trong nghiên cứu nói. "Tùy thuộc vào các bài kiểm tra bạn chọn, bạn sẽ nhận được câu trả lời rất khác nhau."

      Một phần không nhỏ trẻ tự kỷ sẽ không có lời nói hoặc có rất ít lời nói. Một quan điểm cho rằng những em này chậm khôn/chậm trí tuệ/chậm phát triển nhận thức, tư duy. Một số các phương pháp can thiệp với mục tiêu “nạp” ngôn ngữ cho trẻ với lý thuyết cho rằng : trẻ cứ hiểu được khắc nói, trẻ không nói là do trẻ không hiểu. Điều này đúng hay sai? Việc “nạp” thông qua thẻ tranh, việc dạy ngôn ngữ với quan niệm nói là một hành vi đơn thuần, liệu có còn hợp lý?

      Những nghiên cứu mới nhất cho thấy khó khăn về ngôn ngữ của trẻ tự kỷ không phải bắt nguồn từ nhận thức. Nhiều trẻ tự kỷ có hạn chế về ngôn ngữ do trẻ gặp khó khăn trong việc chú ý chung, bắt chước người khác bao gồm cả bắt chước cử động cơ thể và nét mặt. Sự chú ý chung và bắt chước là nền tảng để học nhiều kĩ năng, trong đó có kĩ năng ngôn ngữ, giao tiếp.

      Bản chất của việc khó khăn giao tiếp của trẻ tự kỷ nằm ở việc trẻ ít có động lực trong các mối tương tác xã hội, những lí do giao tiếp của trẻ đa phần dựa trên nhu cầu hơn là tương tác xã hội, cách thức giao tiếp không lời của trẻ hạn chế, trẻ cũng kém nhạy với các tín hiệu không lời, một số trẻ mất hoặc khó ghi nhớ, giãi mã các tín hiệu lời nói, số khác gặp khác khó khăn về điều khiển chủ ý từ não bộ và thần kinh dẫn tới việc nói ra hết sức khó khăn.

      Giao tiếp được định nghĩa là khi một đối tượng này gừi thông điệp tới đối tượng khác nhằm 1 mục đích nào đó. Giao tiếp có thể bằng lời nói, hoặc không lời ( ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ, kí hiệu, chữ viết, tranh ảnh). 
Ngôn ngữ ( không lời, và có lời ) được học tốt nhất thông qua cách tiếp cận tự nhiên có cấu trúc, xây dựng trên các bối cảnh thực tế và trẻ được thực sự tham gia vào. Việc dạy ngôn ngữ, giao tiếp cho trẻ phải được cá nhân hóa cho từng trẻ dựa trên khả năng, sở thích, nhu cầu thực tế của từng bé để đặt mục tiêu và chọn hoạt động phù hợp. 

Để cải thiện giao tiếp cho trẻ chúng ta có thể:

- Tăng cường đối tượng giao tiếp: muốn giao tiếp, trò chuyện cần có 2 người. Trẻ cần có người để giao tiếp. Người giao tiếp cần chú ý vào hoạt động trẻ đang làm, dùng các chiến lược phù hợp để tham gia cùng trẻ, tạo hứng thú, cổ vũ trẻ, và dần dần khéo léo đưa thêm điều mới vào dạy trẻ.
- Tăng cường lý do giao tiếp: để giao tiếp với người khác, trẻ cần có lý do, động lực- đây là phần rất quan trọng để tạo nên giao tiếp. Hãy giúp trẻ yêu cầu bằng cách sở hữu thứ trẻ muốn, cho trẻ từng phần những thứ trẻ thích, giúp trẻ chơi những trò chơi trẻ muốn…và dần dần mở rộng những nhu cầu của trẻ thêm những nhu cầu xã hội
- Tăng cường cách thức giao tiếp: nếu trẻ không thể nói, hãy cho trẻ 1 cách khác để giao tiếp. Hãy tạo dựng tốt nền tảng giao tiếp không lời ( ánh mắt, cử chỉ…), và bổ sung các phương thức hỗ trợ , thay thế như tranh ảnh, kí hiệu, chữ viết.
- Tăng cường sự hiểu ngôn ngữ của trẻ: hãy cùng trẻ giải mã ngôn ngữ. Giúp trẻ hiểu những lời nói đó, cử chỉ đó, hình ảnh đó…gắn với sự vật, hiện tượng, hoạt động nào trong thế giới hiện thực. Hãy bắt đầu bằng các danh từ , động từ quen thuộc, mở rộng ra các tính từ, giới từ…
- Hãy tạo ra động lực, phần thưởng cho bé trọng việc học ngôn ngữ và giao tiếp với người khác chính bằng niềm vui, trải nghiệm thú vị khi chơi, khi sinh hoạt, khi tương tác cùng người khác, hạn chế những động lực ngoại lai như “ nói đi cô thưởng bánh”, “nhìn cô đi cô cho kẹo “, “chỉ mũi đi cô cho bim bim”. Mục tiêu dạy trẻ là giao tiếp có chủ ý, dùng ngôn ngữ có chủ ý, tránh việc biến trẻ thành con vẹt nhại lời hoặc cỗ máy thụ động bấm nút thì nói. Đừng tham vọng vượt quá xa khả năng bé có thể lĩnh hội được dẫn tới thúc, ép trẻ khiến dần dần trẻ thụ động hoặc sợ hãi khi giao tiếp với người khác.
- Có rất nhiều phương pháp nhìn qua rất giống nhau nhưng triết lý, quan điểm, cách tiếp cận khác nhau sẽ dẫn đến hiệu quả khác nhau trên trẻ. Hãy tìm hiểu và cân nhắc kĩ trước khi định áp dụng cho con, cần một nhà chuyên môn cùng bạn làm việc này. 
Can thiệp ngôn ngữ và giao tiếp là một quá trình dài cần sự kiên trì, nhẫn nại và sáng tạo, nhưng cũng cần hiểu biết và tỉnh táo. Chúc các bạn tìm được niềm vui, động lực trên chặng đường đó. Dù kết quả thế nào thì bạn cũng đã làm cho con vui, giúp con thấy rằng con được yêu thương và nâng đỡ- điều này quan trọng hơn tất cả mọi lời nói!!!
Bác sỹ Nguyễn Hoàng Oanh

Tài liệu tham khảo:                                                                  



Không có nhận xét nào