Header Ads

BẠN NÊN LÀM GÌ KHI CON CHẬM NÓI?

KHI CON CHẬM NÓI BẠN NÊN LÀM GÌ?
Nếu bạn lên google và gõ " trẻ 18 tháng không nói", bạn sẽ có vô số đáp án. Bạn rất hoang mang vì nhiều lời khuyên trái ngược nhau. Có người khuyên bạn phải đi can thiệp ngay, nhưng lại có người bảo bạn " kệ đi, chờ đã", trong khi bạn vô cùng sốt ruột, vậy bạn nên làm gì?
"Kệ đi, đợi và xem" sẽ chỉ áp dụng cho trẻ chậm nói nếu nguyên nhân là do bé chậm phát triển ngôn ngữ. Khi trẻ phát triển theo lộ trình riêng của bé, đến thời điểm đặc biệt bé sẽ chạm tới các mốc trong thang phát triển. Một số trẻ có thể tự đạt được, số khác thì không, và điều này khiến chúng ta rất phân vân.
Chúng ta gọi là trẻ Chậm nói nếu bé không có bệnh về thể chất hoặc không mắc các chứng khác như chậm phát triển, hội chứng Down, bại não, tự kỷ, Mất điều khiển chủ ý lời nói trẻ em, khó khăn về hiểu và sử dụng ngôn ngữ ( còn gọi là chậm phát triển ngôn ngữ)

Vậy thế nào là trẻ Chậm nói?
Mời ba mẹ cùng xem video bên dưới để hiểu hơn về trẻ Chậm nói


Trẻ Chậm nói là trẻ ở độ tuổi từ 18-30 tháng, khả năng hiểu ngôn ngữ tốt, các kĩ năng vận động, chơi, tư duy, xã hội bình thường, nhưng hạn chế về số từ nói ra so với tuổi của bé. Tức là khó khăn của các trẻ này là nói ra ( hay còn gọi là ngôn ngữ diễn đạt). Nhóm trẻ này thường gây bối rối vì chúng có đủ mọi yếu tố để nói, nhưng lại không nói hoặc nói rất ít.
Nhiều nghiên cứu cho thấy các trẻ này thường sinh trước tuần 37, hoặc cân nặng khoảng 85% cân trung bình, gia đình thường có người chậm ngôn ngữ và đó thường là đàn ông. Có khoảng 13% trẻ 2 tuổi bị chậm nói.

NHỮNG MỐC PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ QUAN TRỌNG
Những chỉ dẫn sau đây giúp bạn so sánh vốn từ của con bạn so với tuổi của bé. Nếu con bạn không đạt được những điều này, hãy đưa con đi gặp chuyên viên Âm ngữ trị liệu:
- 18 tháng: trẻ có thể sử dụng được ít nhất 20 từ, bao gồm nhiều loại khác nhau như danh từ ( bé, bánh..), động từ ( ăn, đi ..), giới từ ( lên, xuống…), tính từ ( nóng, buồn ngủ..), và các từ xã hội như chào, bye.
- 24 tháng: trẻ có thể sử dụng ít nhất 100 từ và kết hợp được 2 từ với nhau. Những từ kết hợp này do bé tự nói ra, không bao gồm những từ được bé nhớ và tự động nói lại như “cám ơn”, “ hết rồi”, “ cái gì”.. Nhưng kết hợp từ thực sự có thể là “ ăn bánh”, “ tay bẩn”. “xe chạy”
Vậy liệu trẻ chậm nói có tự đuổi kịp các mốc phát triển?
Những trẻ chậm nói này thường thể hiện bình thường ở những kĩ năng khác nên cha mẹ cho rằng tự trẻ sẽ nói và phát triển bình thường. Thực tế, có nhiều trẻ tự vươn lên, nhưng số lượng lớn trẻ khác thì không thể. Rất khó để dự đoán được trẻ nào sẽ phát triển kịp các bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên, danh sách các gợi ý dưới đây cho biết những trẻ nào Chậm nói và sẽ có những khó khăn ngôn ngữ tiếp theo:
• Trẻ trầm lắng, bập bẹ ít
• Có tiền sử nhiễm trùng tai
• Ít có các phụ âm ( vd: p,b,m,t,d,n,k,g..)
• Không biết liên tưởng các hành động với các ý tưởng giả vờ
• Không bắt chước các từ
• Sử dụng hầu hết chỉ là các danh từ ( tên người, đồ vật) và 1 ít động từ
• Khó khăn khi chơi cùng bạn
• Tiền sử gia đình có người chậm phát triển giao tiếp hoặc khó khăn về học tập
• Khó khăn nhẹ trong việc hiểu ngôn ngữ
• Sử dụng ít cử chỉ để giao tiếp
Nếu trẻ có vốn từ vựng hạn chế so với tuổi và có các yếu tố trên, bố mẹ nên đưa con đi gặp chuyên viên Âm ngữ trị liệu. Nếu trẻ có 3 yếu tố bao gồm: tiền sử gia đình, có các vấn đề về hiểu ngôn ngữ, ít dùng cử chỉ, thì trẻ có nguy cơ rất cao sẽ chậm phát triển ngôn ngữ tiếp theo. Chúng tôi khuyên bạn từ bỏ ngay ý định “ Kệ đi và chờ xem”, mà hãy đưa con đi gặp CV ANTL càng sớm càng tốt.
Các nghiên cứu cho thấy, với nhóm trẻ chậm nói tự vươn lên thì nhiều bé khi đi học, gặp khó khăn với các cấu trúc ngữ pháp và ngôn ngữ phức tạp, cũng như sự thể hiện kém hơn các bạn cùng trang lứa. Do đó chúng tôi khuyên rằng MỌI trẻ CHẬM NÓI nên được can thiệp để ngăn ngừa những khó khăn về ngôn ngữ sau này.

VẬY BẠN NÊN LÀM GÌ KHI CON BẠN CHẬM NÓI?
Nếu bạn nghi ngờ con bạn chậm nói, không bao giờ là sớm nếu bạn tìm kiếm sự hỗ trợ. Băt đầu càng sớm, kết quả thu được càng khả quan
Bạn có thể:
• Tìm chuyên viên Âm ngữ trị liệu để được tư vấn
• Kiểm tra thính lực cho con, thậm chí ngay cả khi bạn cho rằng con bạn nghe tốt. Chỉ cần 1 sự khiếm khuyết nhỏ về thính lực thôi cũng có thể dẫn đến những khó khăn lớn về ngôn ngữ và lời nói.
• Hãy tham gia những khóa đào tạo về việc can thiệp cho con , những khóa này được tổ chức bới những chuyên viên Âm ngữ trị liệu chuyên nghiệp được đào tạo và có chứng chỉ đào tạo những chương trình mà bạn sẽ theo học ( vd chương trình IT TAKES TWO TO TALK, TARGET WORDS)

_TS.BS Nguyễn Hoàng Oanh_

Không có nhận xét nào