Header Ads

LÀM THẾ NÀO ĐỂ QUẢN LÝ HÀNH VI CỦA CON CÁI?


Mô hình phân tích Hành vi théo tiếp cận ABA

Bài viết xin được chia sẻ lại một số kiến thức cơ bản về Quản lý hành vi trẻ nhỏ để cho các Cha mẹ một lần nữa nghiên cứu lại và có những kế hoạch đồng hành phù hợp với con cái, để chúng ta cùng có những Giây phút hạnh phúc và chất lượng bên gia đình.
I. Luôn có một nguyên nhân , nhu cầu cần được thoả mãn đằng sau hành vi của trẻ
Nhiều phụ huynh tới với lớp học và nói rằng “ Mình chẳng làm gì con, tự nhiên con lăn ra ăn vạ” hay “ Con tự nhiên làm như thế, có ai động vào đâu”
Hành vi là một chuỗi các hành động lặp đi lặp lại. Hành động là toàn thể những hoạt động (phản ứng, cách ứng xử) có mục đích cụ thể nhằm đáp ứng lại kích thích để thích nghi với hoàn cảnh.
Theo như lý thuyết Tâm lý học hành vi cổ điển cho rằng: Đằng sau mỗi hành vi của con người là 1 kích thích nào đó. Có thể là do tác động từ phía môi trường, hoặc do 1 nhu cầu của bản thân cần được thoả mãn...
Theo như Lý thuyết về cảm xúc của James – Lange hành vi được phát sinh theo mô hình sau:
Kích thích => Phản ứng => Cảm xúc => Hành vi

Các lý thuyết đánh giá nhận thức về cảm xúc thì cho ra mô hình:
Kích thích=> Đánh giá => Cảm xúc => Phản ứng =>Hành vi
Trong các phương pháp can thiệp hành vi có vấn đề/hành vi chưa phù hợp của trẻ nhỏ đều nhấn mạnh rằng: Một trong những chìa khoá quan trọng nhất để Quản lý hành vi của trẻ đó là: Tìm ra nguyên nhân đứng sau Hành vi và thay đổi nó.
Vậy chúng ta cần phải luôn ghi nhớ rằng, khi đối diện với hành vi của trẻ nhỏ, điều chúng ta cần thầm nhắc nhở trong đầu đó là “ Con đang cần gì? Điều gì đã làm con có hành vi này?” chứ không phải việc phán xét trẻ là Hư hay Hỗn xược.
Xin được gợi ý cho Cha mẹ một mô hình phân tích Hành vi được áp dụng rất thành công đó là: The Antecedent-Behaviour-Consequence (ABC) Tiền đề - Hành vi – Hậu quả 
Mô hình phân tích Hành vi The Antecedent-Behaviour-Consequence (ABC) Tiền đề - Hành vi – Hậu quả

Một số nguyên nhân nổi trội đứng đằng sau hành vi của trẻ bao gồm
• Gây sự chú ý
• Muốn được đáp ứng nhu cầu ( Tham khảo thang nhu cầu Abraham Maslow )
• Từ chối nhiệm vụ
• Phản ứng với nguy hiểm
Một số yếu tố nhiễu loạn dẫn tới việc trẻ có những hành vi chưa phù hợp bao gồm:
• Sức khỏe của trẻ
• Trạng thái cảm xúc
• Thiết kế lớp học
• Chất lượng của sự hướng dẫn từ người lớn
• Quá nhiều hoạt động
• Văn hóa lớp học/gia đình
• Áp lực tâm lý
II. Thay đổi môi trường và hành vi của người lớn sẽ góp phần thay đổi hành vi của trẻ.
Một thực nghiệm nổi tiếng của nhà tâm lý học Albert Bandura tiến hành năm ( 1961, 1963, 1965 ) với tên gọi: Bobo Doll Experiment – Búp bê Bobo, tiến hành trên trẻ em. Mục đích của nhà nghiên cứu là tìm hiểu về hành vi hung hãn ở trẻ nhỏ, đặc biệt là khả năng bắt chước hành vi người lớn.
Thực nghiệm được tóm tắt như sau: Nhà tâm lý chọn 36 trẻ nam và 36 trẻ nữ thuộc nhà trẻ của Trường Đại học Stanford, chúng thuộc độ tuổi từ 3 đến 6 (với tuổi trung bình là 4 tuổi 4 tháng). Albert Bandura cho trẻ cùng người làm mẫu đứng trong cùng 1 căn phòng. Ở đó một nhóm trẻ được chứng kiến những người lớn ( mẫu ) có hành vi sử dụng bạo lực với con búp bê Bobo đã được thổi phồng. Nhóm khác chứng kiến các người lớn ( mẫu ) không có hành vi gây hấn. Sau đó trẻ được đưa vào phòng chơi có chứa búp bê Bobo và các dụng cụ gây hấn ( Gậy bóng chày, súng, giấy, bút màu, bóng, mặt nạ, các con vật nuôi giả..)
Kết quả thu được như sau: Những đứa trẻ 88% sẽ bắt chước hành vi của người làm mẫu ngay cả khi mẫu không có mặt ở đó. Những đứa trẻ chứng kiến hành vi bạo lực của người làm mẫu sẽ tái hiện lại các hành động đó ( Đấm, đá, dùng gậy đập, bạo lực ngôn ngữ..) thậm chí có 1 số hành động bạo lực do chúng tự nghĩ ra và thêm vào ( Dí súng vào đầu búp bê..)
Cùng với đó nhóm trẻ chứng kiến mẫu có hành vi chơi đơn thuần, không gây hấn sẽ không có hoặc có ít hành vi thể hiện sự bạo lực hơn, ngay cả khi mẫu không có mặt tại đó. Thực nghiệm được làm lại vào các năm 1963 và 1965, Bandura cùng đồng nghiệp phát hiện ra sau 04 tháng thực nghiệm các hành vi bạo lực của trẻ vẫn còn tồn tại.
Thực nghiệm Búp bê Bobo cho chúng ta thấy rằng: Trẻ học thông qua việc bắt chước và tái hiện lại hành vi mà chúng được chứng kiến người khác đã làm. Thậm chí, trẻ còn sáng tạo ra các hành vi khác dựa trên những hành vi được cung cấp sẵn. Đây là một chỉ dẫn hết sức quan trọng dành cho người làm Cha mẹ và Thầy cô.
Triết lý giáo dục Reggio Emilia chỉ ra rằng “ Môi trường là người thầy thứ 3” để đề cao tầm quan trọng của các điều kiện Tự nhiên – Xã hội xung quanh ảnh hưởng tới sự phát triển của đứa trẻ. Vậy việc đầu tiên chúng ta có thể làm để thay đổi hành vi của trẻ đó là Thay đổi hành vi của chính chúng ta và thiết lập một môi trường mẫu an toàn – tích cực đối với trẻ.
Một số kỹ thuật cơ bản can thiệp vào môi trường:
• Thêm vào: Có nghĩa là can thiệp dựa trên việc bổ sung các nguyên vật liệu vào môi trường có sẵn. Một số không gian gia đình/lớp học..quá đơn điệu và nhàm chán sẽ dẫn tới việc trẻ dễ phát sinh các hành vi không mong muốn. Một đứa trẻ bận rộn sẽ là 1 đứa trẻ có kỷ luật vững vàng.
• Lấy ra: Là việc can thiệp dựa trên nguyên tắc đơn giản hoá môi trường hay lấy đi các nguyên liệu/ tác nhân không cần thiết. Có những không gian với quá nhiều kích thích sẽ làm tăng sự xung động ở trẻ dẫn đến việc trẻ có 1 số hành vi chưa phù hợp. Ví dụ: Lớp học nhỏ với quá nhiều vật dụng/đồ chơi; Phòng học được trang trí với nhiều gam màu nóng và hoạ tiết; Cô giáo/phụ huynh đưa ra quá nhiều yêu cầu cho trẻ cùng 1 lúc……..
• Làm cho an toàn: Tức là việc đưa những tác nhân gây nguy hiểm cho trẻ ra khỏi tầm với của chúng. Ví dụ: Bịt các ổ điện dưới thấp bằng nút cao su, băng dính; Đưa phích nước nóng, dao nhọn…ra khỏi tầm với/tầm nhìn của trẻ nhỏ…..
III. Một số Phương pháp huấn luyện Cha mẹ, Giáo viên quản lý hành vi trẻ nhỏ
1. Systematic Training for Effective Parenting (STEP) - Don Dinkmeyer Sr., Gary D. McKay, Don Dinkmeyer Jr
Phương pháp STEP được đánh giá là 1 trong những can thiệp có hữu hiệu nhất dành cho phụ huynh quản lý hành vi trẻ nhỏ. Đã đào tạo hơn 4 triệu phụ huynh/giáo viên và được dịch ra các thứ tiếng như: Tây Ban Nha, Pháp, Nhật Bàn , Trung Quốc……
Một số nội dung chính của STEP bao gồm:
• Bốn nhóm hành vi điển hình ở trẻ nhỏ: Gây sự chú ý; Thể hiện quyền lực; Trả thù; Diễn tả sự yếu kém
• Ba kiểu làm cha mẹ điển hình: Đưa ra yêu cầu; Cha mẹ làm hộ ( trao tặng ) ; Cha mẹ dân chủ ( Đưa ra sự lựa chọn)
• Bốn đặc điểm của 1 mối quan hệ bền vững: Tôn trọng ; vui vẻ; khuyến khích; yêu thương
• Năm lời khuyên dành cho cha mẹ/giáo viên
Thứ nhất: Đứa trẻ có hành vi sai trái - Chúng ta có thể làm gì?
Thứ 2: Làm thế nào để khuyến khích hành vi tốt ở trẻ?
Thứ 3: Làm thế nào để giải quyết vấn đề giữa chúng ta và trẻ ?
Thứ 4: Kỷ luật như thế nào để vừa mang tính hiệu quả, vừa mang tính tích cực?
Thứ 5: Hãy hiểu và giúp đỡ chính bản thân mình khi đối diện với hành vi của trẻ.
Cùng với đó STEP đưa ra các chiến lược giúp Cha mẹ/Giáo viên đối diện, quản lý các hành vi chưa phù hợp của trẻ theo từng phân nhóm cụ thể với các kỹ thuật như: Làm lơ hành vi sai trái; Hậu quả tự nhiên và hợp lý; Thưởng – Phạt; Nguyên tắc Win – Win…..
2. Parent effectiveness training (PET) – Dr. Thomas Gordon
Với những cống hiến của mình cho lĩnh vực giáo dục trẻ em tác giả của P.E.T đã nhận được 3 đề cử cho giải Nobel hoà bình
( 1997,1998,1999). Tôn chỉ của Phương pháp này đó là: Giáo dục không trừng phạt. Việc quản lý hành vi trẻ nhỏ được dựa vào việc xây dựng văn hoá gia đình/lớp học; Sự hợp tác giải quyết giữa Cha mẹ - Con cái trên nguyên tắc Win – Win; Phân loại hành vi dựa trên mô hình Behavior Window; Đưa ra các thông điệp về hành vi và giải quyết chúng...
Các nguyên lý cơ bản của P.E.T:
• Nguyên lý I: Như mọi người, trẻ cũng có các nhu cầu và để đáp ứng được nhu cầu của mình, trẻ sẽ có một hành động nào đó.
• Nguyên lý II: Trẻ không cư xử hư: con chỉ đơn thuần hành động để đạt được nhu cầu của mình.
• Nguyên lý III: Cha mẹ không thể chấp nhận tất cả hành vi vủa con
• Nguyên lý IV: Cha mẹ không cần phải cư xử nhất quán với trẻ
• Nguyên lý V: Cha mẹ không cần tạo ra sự nhất quán bề ngoài
• Nguyên lý VI: Khi trẻ sơ sinh hành động không thể chấp nhận được, thường là có một lý do nào đó ẩn đằng sau nhưng bạn phải đoán được nó là gì.
• Nguyên lý VII: Khi bạn không thể chấp nhận một hành động, hãy thay thế bằng một hành động khác có thể chấp nhận được.
• Nguyên lý VIII: Cho trẻ biết bạn cảm thấy như thế nào cho dù bạn không thể dùng từ ngữ diễn đạt.
• Nguyên lý IX: Thay đổi môi trường hiệu quả hơn việc thay đổi đứa trẻ.
• Nguyên lý X: Để thay đổi hành vi của trẻ, hãy nói về bản thân, chứ không phải nói về đứa trẻ.
• Nguyên lý XI: Một ngày nào đó quyền lực, phần thưởng của cha mẹ cũng sẽ mất đi khi con trẻ lớn lên.
• Nguyên lý XII: Trẻ học cách đối phó với quyền lực của bố mẹ bằng những hành vi không được mong đợi và không lành mạnh.
• Nguyên lý XIII: Kỷ luật có thể ép buộc trẻ nhưng hiếm khi tạo được ảnh hưởng lên trẻ.
• Nguyên lý XIV: Nếu cha mẹ là một kẻ độc tài hoặc một người nhu nhược, sẽ có người thua cuộc.
• Nguyên lý XV: Khi xung đột được giải quyết sao cho không ai là người thua thuộc, mối quan hệ sẽ trở nên sâu sắc hơn.
Làm Cha mẹ và Giáo viên tức là chúng ta đã gánh trên vai mình một niềm vinh sự lớn lao cùng với đó là trách nhiệm để cùng đồng hành với trẻ để làm sao có những phút giây Hạnh phúc và Chất lượng bên Con em mình. Hãy luôn nhớ rằng:
• Bạn không thể thay đổi trẻ;Bạn chỉ có thể thay đổi hành vi của chính mình để ảnh hưởng đến trẻ.
• Khi bạn bắt đầu phản ứng một cách khác, nhiều trẻ tăng số lượng và cường độ hành vi sai trái. Nhưng sau đó, trẻ sẽ học được rằng những hành vi sai trái của chúng không có hiệu quả nữa.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Thị Minh Đức – Các thực nghiệm trong tâm lý học xã hội – NXB ĐH QGHN 2008.
2. Silverman, M. & Lusting, D. (1987) Parent Survival Training. Hollywood, CA: Melvin Powers Wilshire Book Company – Giang Phạm dịch và biên soạn
3. www.gordontraining.com - What every Parent should know – Nguyễn Ngọc Lê dịch và biên soạn




Bác sỹ Nguyễn Hoàng Oanh
(Nguồn sưu tầm)

Không có nhận xét nào