Trong một cuộc nghiên cứu hệ thần
kinh khỉ ở Ý, người ta cho con khỉ làm một số việc nào đó đồng thời người ta đo
dòng điện phát ra từ các tế bào thần kinh riêng rẻ trên vỏ não của nó
. Nhà khảo cứu Giacomo Rizzolatti và cọng sự viên thấy mỗi lần con khỉ cử động
cánh tay nó để lấy thức ăn thì có một số tế bào thần kinh trong vỏ não trán
(premotor cortex) và vùng xương đỉnh (inferior parietal lobe) nó được hoạt hóa
(activated). Sau đó, điều ngạc nhiên là ngay lúc con khỉ chỉ nhìn người khác
làm động tác trên, cũng những tế bào đó sẽ được hoạt hoá, y như lúc chính nó
làm động tác đó vậy. Có nghĩa là có một nhóm tế bào thần kinh trong đầu con khỉ
đóng vai trò cái gương (kiếng soi, mirror) phản ảnh lại, hoặc bắt chước những
động tác mà mắt nó theo dõi trên sinh vật khác. Những tế bào này, được gọi là
“mirror neuron”, tế bào thần kinh gương”, xoá nhoà biên giới giữa “làm” và “
thấy”, giữa “hành động” và “thụ động”. Chúng ta nhìn một người khác cười, trong
bộ óc của chúng ta cũng có một nhóm tế bào neuron cũng “ cười” theo (nghĩa là
những tế bào phụ trách động tác cười cũng được hoạt hóa, “cười trong bụng’ hay
“cười thầm” như chúng ta thường nói trong tiếng Việt, tuy trên mặt chúng ta
không cười thật sự). Lúc nhìn người khác khóc, nhăn nhó, mếu máo, trong đầu
chúng ta cũng có một số tế bào “làm” theo như vậy, mặc dù ngoài mặt chúng ta
không khóc, không biểu lộ cảm xúc. Do đó, giả thuyết được đưa ra gần đây là các
mirror neuron đóng vai trò quan trọng trong việc bắt chước, và học tập. Em bé
mới chào đời, mắt thấy chưa xa lắm, chỉ gần thôi, đủ để thấy và nhận ra mặt mẹ
nó, nhưng nếu ta lè lưỡi cho nó thấy, đợi vài giây đồng hồ, nó sẽ bắt chước
được, lè lưỡi nó đáp lại. Có lẽ đó là do các mirror neuron của bé làm việc, vì
trẻ sơ sinh không có khả năng phân tích xem động tác lè lưỡi của ta rồi từ đó
vận động từng bước miệng môi và lưỡi nó để bắt chước một cách có ý thức (giống
như người lớn chúng ta bắt chước uốn lưỡi lúc phát âm một tiếng ngoại ngữ, thật
khó khăn). “Cơ chế tế bào thần kinh gương” gồm những vùng phụ trách thị giác
(temporal, parietal, occipital visual areas) và hai vùng vận đông (motor area)
của vỏ não trán và đỉnh (frontal and parietal cortex).(1)
Hình
1: Khỉ con sơ sinh macaca bắt chước người lè lưỡi
Source
- Evolution of Neonatal Imitation. Gross L, PLoS Biology Vol. 4/9/2006, e311 doi:10.1371/journal.pbio.0040311
Hình
2: Hệ thống tế bào gương (Human Mirror Neuron System/MNS,mảu đỏ) trên vỏ não vùng trán (
Premotor cortex, PMC) và đỉnh (parietal). Vùng trán phụ trách về mục đich của
động tác (ví dụ đưa tay ra nắm cái ly để uống nước khác với đưa tay ra nắm cái
ly lúc dọn dẹp) trong lúc vùng vách phụ trách về mô tả động tác . Vùng màu vàng
ở thái dương (Superior Temporal Sulcus, STS) là nơi xuất phát các tín hiệu thị
giác (nhìn) cung cấp cho hệ thống tế bào gương (theo Nature.com).
http://www.nature.com/nrn/journal/v7/n12/fig_tab/nrn2024_F1.html#figure-title
Trong giao tiếp xã hội hàng ngày, ngoài những lời nói, chúng
ta “hiểu” người khác bằng cách nhìn những cử chỉ, dáng điệu, điệu bộ, cái
“tướng” của người đó, tiếng Anh gọi là “body language”. Vì mirror neuron vừa
phụ trách cả cái mình “nhìn” ( chúng phản ảnh lại cái mình đang thấy) và cái
mình “làm” (chúng được hoạt hóa theo động tác của bản thân), chúng là nhịp cầu
giúp mình “thông cảm” được những động tác của người khác, ý nghiã và những cảm
xúc đi kèm theo những động tác đó. Tôi thấy anh môi nở nụ cười, những mirror
neuron phụ trách “cười” trong đầu tôi cũng được hoạt hóa , tôi cũng “cười trong
bụng”, và vì mirror neuron của tôi được nối liền với bộ phận khác trong óc
(anterior insula) phụ trách về tình cảm, tôi sẽ hiểu một cách trực giác là anh
cười vì vui, và tới một mức nào đó, tôi vui “cùng với anh”.
Do đó, một thuyết được đưa ra là mirror neuron giúp cho ta ý
thức về sự hiện hữu của người khác, là những kẻ cũng có một cái “ngã” cái tôi
riêng của họ, giống nhứ cái “tôi”, cái “ngã” của chính mình. Đến một giai đoạn
phát triển nào đó , đứa trẻ biết rằng chính nó có cảm giác vui buồn, ý muốn, có
sở thích,thì người khác cũng có những cảm giác, ý muốn, sở thích của học, họ
cũng có “đầu óc” (mind) như mình có ‘đầu óc’ của mình, khả năng ý thức về sự
hiện hữu của đầu óc người khác đó gọi là “theory of mind”(“ tạm
dịch thuyết về đầu óc”). Sự hình thành của lương tâm cũng tùy thuộc và khả năng
này.
Những đứa trẻ bị bịnh tự kỷ (autism), ngoài thiếu sót về khả
năng ngôn ngữ, còn bị khiếm khuyết trong khả năng “đồng cảm “(empathy) tức là
cảm thông với những cảm xúc, cảm tình của người khác, do đó chúng bị trở ngại
trong giao tiếp và trong sự thích ứng với lối sống, lối hành sử của xã hội
chung quanh nói chung. Thuyết về các tế bào thần kinh gương có thể giải thích
phần nào những triệu chứng như sự tự cô lập (isolation) và thiếu đồng cảm của
người bịnh autism (chứ không giải thích toàn bộ bịnh autism). Người ta nhận
thấy ở những bịnh nhân này hệ “mirror neuron” hoạt động kém hơn ở những người
bình thường, và đó có thể là lý do làm người bịnh có một “theory of mind” thấp
kém (tùy theo mức độ nặng nhẹ, trong quang phổ từ nặng đến nhẹ của cái gọi là
“quang phổ tự kỷ”. autistic spectrum), làm cho người tự kỷ không hiểu được tình
cảm, tâm trạng cũng như tâm tư của người khác. Hy vọng trong tương lai không
xa, hiểu biết về mirror neuron có thể giúp định bịnh chứng tự kỷ khách quan hơn
và sớm hơn, cũng như giúp cải thiện khiếm khuyết về đồng cảm và tương quan xã
hội nơi người mắc chứng tự kỷ.
(1) Laurence R Tancredi, Hardwired behavior: What
neurosciences reveal about morality
Nguồn Bs Hồ Văn Hiền.
(Hien V, Ho, MD)
Ngày 9 tháng 6 năm 2010
(Edited for web on 7/1/2014)
Không có nhận xét nào