Header Ads

CÓ NÊN CẤY TẾ BAÒ GỐC CHO CON TỰ KỶ KHÔNG?

Để phục vụ cho câu hỏi của các phụ huynh "Có nên cấy tế bào gốc cho con tự kỷ không", mình sẽ chia sẻ dần những hiểu biết của mình khi tìm hiểu về não bộ, cấu trúc thần kinh và sự liên quan đến các lĩnh vực bị suy giảm của trẻ tự kỷ.

1."Vùng cảm xúc " của trẻ tự kỷ và mối liên quan tới Hạnh nhân

Hạch hạnh nhân, tạo nên "vùng xã hội" trong não.

Hạnh nhân là một phần của hệ viền thuộc não bộ, phụ trách việc ghi nhận, giải mã, lưu trữ các thông tin xúc cảm.
Nhà khoa học Brothers đã chứng minh giả thuyết một hệ dẫn truyền noron thần kinh, bao gồm hạch hạnh nhân, tạo nên "vùng xã hội" trong não.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra sự bất thường của hạch hạnh nhân dẫn tới những rối loạn, khó khăn về tương tác xã hội. 
Người bình thường khi tương tác sẽ nhìn vào khuôn mặt người khác, đặc biệt ánh mắt để đoán biết cảm xúc và suy nghĩ của người khác. Để làm việc này, cần có sự hoạt động của hạch hạnh nhân. Ở người tự kỷ, khi thu thập các hình ảnh về fMRI thì cho thấy vùng hạch hạnh nhân không hoạt động như bình thường trong những tình huống này.
Sự bất thường của hạch hạnh nhân có thể bao gồm:
- Kích thước to hơn
- Sự kết nối với các vùng não khác bị khiếm khuyết
- Sự kết nối bất thường trong quá trình xử lý cảm xúc khuôn mặt


2. Sự tăng trưởng của não ở giai đoạn sớm của trẻ Tự kỷ



Não của trẻ tự kỷ có sự phát triển khác biệt ở từng phần.
Khi sinh ra, chu vi đầu của trẻ tự kỷ ở giới hạn bình thường, nhưng tăng lên đáng kể trong suốt thời thơ ấu.
Tuy nhiên, khi trưởng thành, các nghiên cứu tìm thấy chỉ số này lại dao động từ trung bình cho đến dưới trung bình.

Vậy chuyện gì đã xảy ra?
Đôi khi, não có thể học cách loại bỏ những kết nối xấu sau vài năm, điều này mang đến kết quả cải thiện chức năng.
Nhưng ở trẻ tự kỷ, có sự gia tăng tế bào não trong tam cá nguyệt thứ hai và sự tự sửa chữa đã không xảy ra. Dẫn tới những tế bào kém chất lượng gia tăng đáng kể, đặc biệt vùng thuỳ não trước và thuỳ thái dương ( những thuỳ phụ trách xử lý các phản hồi về giao tiếp xã hội và cảm xúc phức tạp )

Điều này lý giải những khó khăn trong tương tác, giao tiếp, bộc lộ cảm xúc ở trẻ tự kỷ, và những khó khăn này nhận diện ngày càng dễ dàng khi trẻ lớn dần lên.


3. Chất trắng của não ( ở trẻ tự kỷ )


Yếu tố chất trắng

Não là một cơ quan vô cùng phức tạp. Não người có hơn 100 tỉ tế bào thần kinh, mỗi tế bào thần kinh liên kết với khoảng 100 ngàn tế bào thần kinh khác.

Đa số các bộ não đều thể hiện sự khác biệt giữa chất xám và chất trắng. Chất xám chủ yếu gồm các thân tế bào thần kinh. Trong khi đó trong chất trắng của não thì đa số là các sợi liên kết các tế bào thần kinh. Những sợi thần kinh được tách ly bằng chất Myelin do tế bào Oligodendroglia tạo ra. Màu trắng đặc trưng trong chất trắng của não do màu trắng của chất Myelin mà ra.

- Chất trắng: là đường liên lạc dọc, nối tủy sống với các phần trên của não 
Chức năng: Chất trắng bao quanh các sợi trục thần kinh, giúp các tế bào thần kinh thực hiện nhiệm vụ dẫn truyền, bao gồm đường dẫn truyền lên, sẽ trả lời lại bằng đường dẫn truyền xuống. Chất trắng giúp kết nối các vùng khác nhau trong não.

Ở trẻ tự kỷ, các nghiên cứu hình thái não của trẻ nhỏ sau khi được chẩn đoán tự kỷ cho thấy có sự khác biệt khi chất trắng kết nối với các vùng phụ trách xử lý các thông tin xã hội. Đó là nguyên nhân người tự kỷ khó khăn khi hiểu cũng như biểu lộ các cảm xúc khuôn mặt, ngôn ngữ không lời và có lời, chức năng điều hợp, khả năng thấu cảm... Sự rối loạn chức năng kết nối chất trắng cũng được chứng minh là nguyên nhân của những rối loạn giác quan mà người tự kỷ nào cũng mắc phải.

Bác sỹ Hoàng Oanh ( Tổng hợp )
Nguồn:



Không có nhận xét nào