Header Ads

Rối loạn xử lý cảm giác và hành vi

 Não bộ chúng ta nhận các tín hiệu từ các tế bào và cơ quan thụ cảm truyền về để từ đó đưa ra các phản hồi, đáp ứng phù hợp. Ví dụ: khi một người chạm tay vào cốc nước nóng, thì các cảm thụ nhiệt độ trên tay sẽ truyền tin về não bộ, não bộ nhận tin và đối chiếu với ngưỡng chịu đựng của cơ thể người đó và phát tín hiệu “ nóng quá, nguy hiểm” và các cơ vận động của tay sẽ được “lệnh” rụt tay lại để tránh cho người đó bị bỏng, đau. Như vậy có thể thấy để một người hành động thì cơ thể người đó sẽ cần trải qua các giai đoạn: nhận tín hiệu kích thích, giải mã/hiểu tín hiệu đó và truyền đi tín hiệu để các bộ phận có liên quan đáp ứng. Tất cả các đáp ứng này nhằm giúp người đó an toàn, thoải mái, dễ chịu.


Trẻ rối loạn phổ tự kỷ có thể gặp khác biệt trong việc tiếp nhận tín hiệu, hoặc giải mã tín hiệu, hoặc truyền tín hiệu đáp ứng. Và cũng nhiều trẻ gặp khó khăn ở toàn bộ quá trình này.
Những hành vi như vẫy tay, xoay tròn, từ chối ngồi toilet, chỉ ăn một vài loại thực phẩm, sợ hãi việc cắt tóc, chạy nhảy liên tục...đều có thể do sự khác biệt về cách não bộ làm việc khiến các em có các nhu cầu rất đặc biệt. Vì thế, chúng ta đừng sợ hay phán xét, khó chịu với các hành vi của các em. Đó là cách các em giữ cho bản thân an toàn và dễ chịu. Những hành vi đó xuất phát từ hoạt động phản xạ của não bộ chứ không từ chủ đích của các em. Giúp các em cảm thấy cân bằng, thoải mái, an toàn cũng là mục tiêu mà chúng ta cần đạt được trước khi thực sự muốn dạy các em điều gì.


TS.BS Nguyễn Hoàng Oanh

Không có nhận xét nào